Max Weber | |
---|---|
Weber vào năm 1918 | |
Sinh | Maximilian Karl Emil Weber 21 tháng 4 năm 1864 Erfurt, Sachsen, Phổ |
Mất | 14 tháng 6 năm 1920 Munich, Bayern, Đức | (56 tuổi)
Quốc tịch | Đức Cộng hòa Weimar |
Học vị | Tiến sĩ Luật |
Trường lớp | Đại học Humboldt Berlin, Đại học Heidelberg |
Nổi tiếng vì | Đạo đức Tin Lành, Hệ thống hành chính Weber, Kiểu mẫu lý tưởng, Hành động xã hội... |
Tôn giáo | Tin Lành[1] |
Cha mẹ | Max Weber Sr., Helene Weber (nhũ danh Fallenstein) |
Maximilian Karl Emil Weber (/ˈveɪbər/;[2] tiếng Đức: [ˈveːbɐ]; 21 tháng 4 năm 1864 – 14 tháng 6 năm 1920) là một nhà xã hội học, nhà sử học, nhà luật học và nhà kinh tế chính trị người Đức, được coi là một trong những nhà lý thuyết quan trọng nhất về sự phát triển của xã hội phương Tây hiện đại.[3] Ý tưởng của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết xã hội và nghiên cứu xã hội.[4] Mặc dù được công nhận là một trong những cha đẻ của xã hội học, cùng với Auguste Comte và Émile Durkheim, Weber chưa bao giờ thừa nhận mình như một nhà xã hội học, mà là một nhà sử học.[5]
Khác với Émile Durkheim, Weber không tin vào những lời giải thích đơn nguyên, thay vào đó đề xuất rằng đối với bất kỳ kết quả nào cũng có thể có nhiều nguyên nhân.[6] Do đó, ông là người đề xướng phương pháp luận chống chủ nghĩa thực chứng, nghiên cứu hành động xã hội thông qua các phương pháp diễn giải (chứ không phải theo chủ nghĩa kinh nghiệm), dựa trên sự hiểu biết về mục đích và ý nghĩa của các cá nhân gắn với hành động của chính họ. Mối quan tâm chính của Weber là tìm hiểu các quá trình hợp lý hóa, thế tục hóa và "sự biến đổi", mà ông cho là kết quả của một cách nghĩ mới về thế giới,[7] liên kết các quá trình đó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và nền văn minh hiện đại.
Weber được biết đến nhiều nhất với luận án kết hợp xã hội học kinh tế và xã hội học tôn giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của những ảnh hưởng văn hóa gắn liền với tôn giáo như một phương tiện để hiểu về nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản (trái ngược với chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx). Đầu tiên Weber trình bày chi tiết hơn lý thuyết của mình trong tác phẩm nổi tiếng, Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1905), ông đã cho rằng Đạo Tin lành là một trong những "mối quan hệ tự chọn" liên quan đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản theo định hướng kinh tế thị trường và nhà nước hợp pháp trong thế giới phương Tây. Lập luận việc thúc đẩy chủ nghĩa tư bản là nguyên lý cơ bản của đạo Tin lành, Weber cho rằng tinh thần của chủ nghĩa tư bản vốn có trong các giá trị tôn giáo của đạo Tin lành.[8] Đạo đức Tin lành đã sớm hình thành nên các cuộc khám phá rộng lớn hơn của Weber về tôn giáo thế giới, sau đó ông đã xem xét các tôn giáo của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Do Thái giáo cổ đại, đặc biệt liên quan đến các hệ quả kinh tế khác nhau của chúng và sự phân tầng xã hội. Trong một tác phẩm lớn khác, "Politics as a Vocation", Weber đã định nghĩa "nhà nước" là một thực thể tuyên bố "độc quyền sử dụng vũ lực hợp pháp trong một vùng lãnh thổ nhất định". Ông cũng là người đầu tiên phân loại quyền lực xã hội thành các hình thức riêng biệt: thuyết phục, truyền thống và hợp pháp. Trong số đó, phân tích của Weber về bộ máy quan liêu nhấn mạnh rằng các thể chế nhà nước hiện đại ngày càng dựa trên cơ sở hợp pháp.
Weber cũng có nhiều đóng góp khác nhau cho lịch sử, lý thuyết và phương pháp luận kinh tế. Phân tích của ông về tính hiện đại và hợp lý hóa đã ảnh hưởng đáng kể đến lý thuyết phê bình liên quan đến Trường phái Frankfurt. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông là một trong những người sáng lập Đảng Dân chủ Đức Tự do. Ông cũng tranh cử không thành công cho một ghế trong quốc hội và làm cố vấn cho ủy ban soạn thảo Hiến pháp Weimar năm 1919. Sau khi mắc cúm Tây Ban Nha, ông qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1920, thọ 56 tuổi.